Ông NGUYỄN VĂN DÀNH - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Đào tạo theo cơ chế đặt hàng

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 KCN (trong đó có 27 KCN đi vào hoạt động) và 12 cụm công nghiệp. Về đầu tư trong nước, toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký hơn 515.000 tỉ đồng; có hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỉ USD.

leftcenterrightdel
 

Nhằm đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực cho các DN, thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng được đào tạo. Đồng thời, tỉnh sẽ mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục - đào tạo, xem xét triển khai thực hiện các chương trình hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng; khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của tỉnh tập trung phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao để phục vụ triển khai các đề án "Thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương". Bên cạnh xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động và tổ chức cung cấp các dịch vụ công về việc làm có hiệu quả…, tỉnh tập trung phát triển nhân lực từ nguồn hiện có; thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao làm động lực để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, các chính sách đãi ngộ, phúc lợi cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân người tài.

leftcenterrightdel
 

Các đại biểu dự buổi tọa đàm sáng 14-4, tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS TRƯƠNG ANH DŨNG - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Thành lập 30 trường nghề chất lượng cao

Tôi đánh giá cao Báo Người Lao Động và tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi tọa đàm rất ý nghĩa trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế, trong đó nguồn nhân lực được xem là nhân tố quyết định. Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương và các tỉnh, thành như: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... đang cần rất nhiều lao động chất lượng cao. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, có trình độ trong bối cảnh hiện nay, theo tôi cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ) ngay trong DN. Bên cạnh đó, công tác kết nối cung - cầu lao động cần được đẩy mạnh và số hóa mạnh mẽ hơn.

leftcenterrightdel
 

Về lâu dài, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang xây dựng lộ trình 5 năm, 10 năm về GDNN cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo GDNN, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo GDNN, đổi mới phương thức đào tạo, xây dựng các phương thức đào tạo linh hoạt. Phấn đấu trong thời gian tới, trong khu vực phía Nam có khoảng 30 trường đào tạo nghề chất lượng cao, có 2 trung tâm quốc gia về đào tạo nghề chất lượng cao.

TS VŨ MINH TIẾN - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Cốt lõi là kỹ năng nghề và thái độ làm việc

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với các định chế song phương, đa phương về kinh tế, văn hóa, giáo dục và cả nguồn nhân lực. Vì thế, nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng trong tiến trình hội nhập. Theo các nghiên cứu, khảo sát và quan sát của Viện Công nhân và Công đoàn, hiện có nhiều ngành nghề, nhiều tổ chức và DN có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng NLĐ. Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ (Việt Nam đa phần là DN vừa và nhỏ) lại không mấy quan tâm đến vấn đề này.

leftcenterrightdel
 

Để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở góc độ DN, việc đánh giá chất lượng NLĐ cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và ứng dụng các công cụ chuyên nghiệp vào đánh giá. Có nhiều tiêu chí để đánh giá một nhân lực, nhưng quan trọng nhất mà chúng ta phải lưu ý đó là kỹ năng nghề và thái độ trong công việc. Đây được xem là 2 trong số những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng nhân sự. Làm như vậy sẽ giúp DN có được đội ngũ nhân lực ngày càng chuyên nghiệp, từ đó sẽ hình thành lực lượng lao động chất lượng cao.

leftcenterrightdel
 

Nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết cho sự phát triển của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong ảnh: Công nhân kỹ thuật cao tại Công ty CP Nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà NGUYỄN THỊ VÂN ANH - Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam Công ty VietnamWorks (Navigos Group):

Người lao động không nên ngại khó

Dưới góc nhìn của VietnamWorks, nguyên nhân thiếu hụt lao động phổ thông, trung và cao cấp chất lượng cao là do sự phân bổ đào tạo theo ngành còn đang mất cân bằng, có những ngành thừa và những ngành còn thiếu. Về nhân sự, các DN nên sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thay vì các ứng viên đã có sẵn kinh nghiệm và kỹ năng đối với yêu cầu mới. Tiềm năng thể hiện ở khả năng học hỏi, không ngại khó, nhận thức tốt và thích nghi nhanh.

Các DN có thể đầu tư vào huấn luyện, đào tạo, khai vấn, cố vấn để cung cấp kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý công việc, tạo thói quen tốt trong nghề và luôn thấy được cái ý nghĩa trong việc làm của mình hằng ngày để NLĐ luôn có thể "tập trung cao độ - xoay chuyển tình huống - vượt qua nghịch cảnh". Tạo môi trường minh bạch, chấp nhận sự đa dạng, khác biệt để hòa nhập giữa các thế hệ, giới tính; có lộ trình thăng tiến nghề nghiệp để giúp đội ngũ nhân tài có cơ hội phát triển và đóng góp giúp DN gia tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 

Bên cạnh đó, NLĐ đừng ngại khó khăn, sẵn lòng chấp nhận thách thức, trải nghiệm, học hỏi, cải thiện, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, để học cách thích nghi, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh cho bản thân. Ngoài ra, NLĐ cần trau dồi tiếng Anh, không chỉ trong giao tiếp mà còn đọc, hiểu để nắm bắt và sử dụng những công nghệ ngày càng phổ cập và đa dạng.


Nguồn: https://nld.com.vn/