leftcenterrightdel
 Sản xuất tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý II/2023. Đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là do sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại.

leftcenterrightdel
 Công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam. (Ảnh: THẾ ANH)

Mới đây nhất, việc Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh vì thiếu các đơn hàng khiến cho công ty chỉ trong ba tháng đã phải hai lần thực hiện thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 8.000 lao động. Trong số lao động chấm dứt hợp đồng có trên 80% nữ giới. Phần lớn lao động chấm dứt hợp đồng là lao động phổ thông.

Nhận định từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, về cơ bản, việc cắt giảm số lượng lớn lao động của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong thời gian tới các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn vẫn sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết tình hình trên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm bạn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí...

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua việc hướng dẫn, bảo đảm chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định. Tăng cường phối hợp các bên có liên quan theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo, có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.

Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; trong đó đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số trong giao dịch việc làm để tạo thuận lợi cho việc kết nối cung-cầu lao động, tiết kiệm chi phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm chuyên đề, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp bảo đảm việc làm cho người lao động.

Để bảo đảm thị trường lao động, việc làm luôn giữ vững tính ổn định và phát triển, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bố trí bổ sung nguồn vốn và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Nguồn: https://nhandan.vn