Ù đầu, choáng váng vì nắng nóng

Theo dự báo, vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển cùng với gió phơn mạnh nên Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất chạm ngưỡng trên 40 độ C. Sức nóng này dự kiến kéo dài qua ngày 13/6.

Riêng khu vực Hà Nội, mặc dù sức nóng gay gắt với nhiệt độ giờ cao điểm khoảng 39 - 40 độ C nhưng vào thời điểm chiều tối và đêm, nơi đây được dự báo là có mưa rào và dông vài nơi.

Tuy vậy, với độ ẩm từ 48 - 96%, cùng sức nóng như chảo lửa, đợt nắng nóng này là nỗi ám ảnh của người lao động khi phải bươn chải, mưu sinh ngoài trời.

Quệt mồ hôi chảy ròng ròng, bà Tân (47 tuổi) nhanh tay xúc từng xẻng đá nghiền lên xe đẩy tay, để công nhân kịp trộn vữa phục vụ công trình cải tạo, chỉnh trang hè phố ở phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Mặc dù mới bắt đầu cho ca làm việc thứ hai trong ngày và để tránh tác động từ nắng nóng, bà Tân tìm cách làm việc dưới bóng râm. Thế nhưng, nắng gắt lúc đầu giờ chiều kèm theo hơi nóng hầm hập hắt lên từ mặt đường làm bà Tân lừ đừ, uể oải.

“Nắng nóng quá, không biết sao mà đợt này nắng nóng kinh khủng. Buổi sáng 10h tôi đã cảm thấy choáng váng rồi, cảm giác như tối tăm mặt mũi, muốn ngất luôn không thấy đường sá gì nữa. Nhiều hôm làm đến giờ nghỉ là thấy mắt khô, mũi nhức.

Người làm công trường từ đàn ông đến phụ nữ, thanh niên trai tráng, ai nấy đều phải kín mít từ đầu đến chân. Mặc áo càng dày bao nhiêu thì mồ hôi ra thấm mát bấy nhiêu, có hạ nhiệt thì mới gắng gượng được với cái thời tiết này”, bà Tân mệt mỏi tranh thủ nhấp ngụm nước, nói.

Oằn mình mưu sinh dưới nắng nóng như “đổ lửa” - 2

Cũng theo bà Tân, mặc dù làm việc ngoài trời vất vả nhưng công việc tại công trình cũng cho bà nguồn thu nhập theo ngày, đủ để trang trải cho những “đám cưới đám xin” ở quê nhà Phú Thọ.

“Đi cỗ bàn ở quê bây giờ cũng bằng cả một ngày công đi phụ vữa, 200.000 đồng là thấp nhất, âu cũng là nỗi vất vả của người nông dân, mà tình làng nghĩa xóm không đi không được. Cũng may là các con tôi lớn hết rồi, chúng lại không theo con đường đại học nên vợ chồng tôi cũng không phải lo miếng ăn, miếng học cho chúng”, bà Tân than thở.

Không chỉ riêng bà Tân, mà những người phụ nữ phải bươn chải, mưu sinh ngoài trời những ngày “đổ lửa” này như bà Lục Thị Thơm (45 tuổi, ở Hoài Đức) cũng phải trầy trật để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình. Mùa hè là thời điểm vào vụ vải, dứa, dưa… nhưng bà Thơm lại chọn cho mình mặt hàng cam để mưu sinh.

Bà Thơm quan niệm, vải, dứa thì nhiều, nhưng đi bán chưa chắc đã được bao nhiêu lãi lời. Trong khi ít người chọn vải vì ăn vào nóng nên bà chọn mặt hàng cam Sài Gòn để bán, mặc dù lãi cũng không vượt trội so với các mặt hàng khác.

Nhưng cam dễ bán, được nhiều người mua vì cam vừa vắt nước uống ngày hè, mà giá bán ra cũng chỉ từ 40.000 đồng – 55.000 đồng/tuỳ loại.

“Nắng nóng phát hoảng, sức khoẻ ngày một yếu đi, thêm bệnh huyết áp cao nữa nên cứ dong xe thế thôi, chứ nắng nóng quá hay khi nào đầu tôi có hiện tượng ù ù là phải tấp vào chỗ râm mát để lấy sức. Chả lẽ cứ nắng nóng là nghỉ ở nhà để không có thu nhập?”, bà Thơm than thở sau giấc ngủ trưa chập chờn bên lề phố hàng Da.

“Nắng mấy vẫn phải làm”

Ông Nguyễn Văn Định (54 tuổi, ở Xuân Trường, Nam Định) đang mưu sinh bằng nghề xe ôm ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Mấy hôm nay trời nắng nóng, ông Định cũng trang bị cho mình áo dày, khẩu trang, bao tay để tránh cái rát của nắng.

Thậm chí, chiếc khăn được ông thấm nước cũng sẵn kẹp ở xe để thỉnh thoảng lôi ra lau mồ hôi và làm mát vùng mặt. Vừa tấp xe vào lề đường, tiến đến máy lọc nước miễn phí bên cổng chợ Hàng Da để lấy nước, ông Định lau mồ hôi nhễ nhại, than thở: “Mấy hôm nay nắng quá, sáng ra tôi qua đây lấy 4 lần nước cũng không đủ uống”.

Kiếm sống trên mảnh đất Thủ đô, không chỉ riêng ông Định, những tài xế mưu sinh bằng nghề xe ôm ở đây đều tranh thủ lúc chưa có khách, chạy đến cổng chợ hàng Da để lấy nước sạch uống.

“Tiền công chạy xe ôm của chúng tôi chỉ đủ đáp ứng cuộc sống nếu biết tiết kiệm, cũng may là có máy lọc nước miễn phí, để chúng tôi có cơ hội tiết kiệm chi tiêu. Nắng mấy cũng phải làm để có tiền. Thực ra, làm nghề xe ôm, nắng nóng thì chúng tôi làm việc theo kiểu nắng nóng thôi”, ông Định tặc lưỡi.

Theo ông Định, đã làm nghề xe ôm thì nắng nóng mấy cũng phải chịu, chỉ cần khi chở khách thì mặc áo dày, đeo khẩu trang để tránh bỏng rát da, còn khi không có khách thì trốn nắng ở những vị trí có bóng râm như gốc cây cổ thụ, gầm cầu…

Ghi nhận của PV cho thấy, dọc các tuyến phố lớn ở TP Hà Nội như Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), Lê Văn Lương (Thanh Xuân), Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng (Ba Đình)… người đi đường, không chỉ riêng phụ nữ, đều che kín với các loại áo khoác, kính râm, bao tay.

Đàn ông, nhất là những người hành nghề xe ôm cũng ăn mặc như "ninja". Bên yếm xe là những chai nhựa chứa nước khoáng hay bình nước pha sẵn mang từ nhà đi.

Thời điểm trưa, các quán cà phê, quán cơm văn phòng có máy lạnh đều đông nghẹt người tìm đến tránh nắng. Bên dưới những tán cây sấu cổ thụ bên lề phố Phan Đình Phùng, có rất nhiều lao động vào tránh nắng, vào giờ trưa, những xe ôm, người lái xe 3 gác cũng tranh thủ đeo kính râm để chợp mắt.

Dừng xe sát lề đường để trả khách, một người xe ôm mồ hôi nhễ nhại thấm ướt cả hai tầng áo lắc đầu than thở: “Nắng nóng khiếp quá, tôi sợ cái nắng này”. Nói chưa dứt câu, người tài xế này vội vã tăng ga đi tiếp…

 

 

 
Theo Dân trí