Theo tin tức cập nhật từ nhật báo The Japan Times, từ tháng 10-2021 trở đi, chính phủ Nhật Bản sẽ chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 áp dụng tại Tokyo và 18 khu vực khác. Chính quyền nước này cũng xem xét dỡ bỏ tình trạng bán khẩn cấp tại các tỉnh còn lại và đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, phục hồi kinh tế, sản xuất.

Mở cửa đón lao động nước ngoài

Tiếp nối chính sách dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và bán khẩn cấp tại các tỉnh, Nhật Bản cũng từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và quy trình cách ly đối với du khách và lao động nước ngoài. Cụ thể, đối với các trường hợp đã tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19, khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong vòng 10 ngày, thay vì phải đi cách ly ở khách sạn và giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

Sau một thời gian dài áp dụng chính sách cấm nhập cảnh để phòng chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật đã rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn lao động. Các đơn vị này đã mong ngóng từng ngày để được tiếp nhận các nhóm lao động nước ngoài mới, phục vụ cho các kế hoạch sản xuất đang bị đình trệ. Ông Hironobu Akase, Quản đốc Công ty Cơ khí Toyo tại Nhật, chuyên phụ trách hướng dẫn thực tập sinh nước ngoài mới sang, cho biết: "Hằng năm, công ty tôi đón 4-5 đợt lao động Việt Nam sang làm việc theo diện thực tập sinh. Nhưng vì đại dịch Covid-19, chúng tôi chỉ tiếp nhận một nhóm 6 lao động vào đầu năm 2021. Công ty bị thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Số nhân sự hiện tại dù cố gắng làm thêm giờ cũng khó có thể hoàn thành kế hoạch. Việc tuyển dụng tại Nhật cũng có nhiều khó khăn nên một số hợp đồng với đối tác đã không kịp tiến độ, đành đợi các nhóm mới nhập cảnh".

leftcenterrightdel
 

Lao động xuất cảnh sang Nhật Bản ngay trong mùa dịch. Ảnh: NAM GIANG

Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã ra thông báo tạm dừng cấp visa cho lao động nước ngoài từ ngày 14-1-2021. Chính sách này đã làm gián đoạn việc xuất cảnh sang Nhật của hàng ngàn NLĐ Việt Nam đã gần hoàn tất thủ tục trước đó. Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đóng băng suốt hơn 8 tháng. Trong khoảng thời gian thị trường bị gián đoạn, các DN XKLĐ Việt Nam đã tìm mọi cách để có thể tiếp tục hoạt động và đợi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại. Các chính sách phỏng vấn, đào tạo online được linh động áp dụng trong thời gian giãn cách xã hội. Nhờ đó mà thị trường vẫn được duy trì cầm chừng, NLĐ vẫn có thể tranh thủ thời gian để tham gia và chờ đợi ngày xuất cảnh.

NLĐ cần chuẩn bị sẵn sàng

Đối với những nhóm đã trúng tuyển chính thức và chờ ngày xuất cảnh, NLĐ cần tiếp tục duy trì việc học tiếng Nhật và tìm cách tiếp cận các chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 càng sớm càng tốt. Tuy Nhật Bản chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc phải tiêm vắc-xin khi nhập cảnh, NLĐ cũng không nên chủ quan. Việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin trước khi nhập cảnh không chỉ giúp bảo vệ NLĐ an toàn trước các nguy cơ lây nhiễm và còn giảm chi phí phát sinh khi nhập cảnh sang nước bạn. Đồng thời, với "hộ chiếu vắc-xin" trên tay, NLĐ cũng sẽ đỡ mất nhiều thời gian khi làm các thủ tục xuất nhập cảnh ở cả hai đầu Việt Nam và Nhật Bản.

Chị Thạch Cẩm Nhi, 26 tuổi, quê ở Trà Vinh, trúng tuyển một công ty chế biến thức ăn đóng hộp ở Nhật vào tháng 12-2020 nhưng vẫn chưa được xuất cảnh, nói: "Khi biết được thông tin thị trường Nhật Bản sẽ mở cửa trở lại, tôi và gia đình rất vui. Tôi bị kẹt lại gần cả năm rồi, vì dịch Covid-19 nên cũng không thể tranh thủ làm thêm việc gì khác. Cả gia đình đều đang trông cậy vào tôi. Hiện tôi cũng đã được tiêm vắc-xin mũi 1 ở địa phương và đang chờ tiêm mũi 2 để hoàn tất thủ tục xuất cảnh sang Nhật".

Đối với những nhóm đang tham gia học tập và chuẩn bị phỏng vấn, NLĐ cần tranh thủ tận dụng những lợi thế linh hoạt mà hình thức phỏng vấn online mang lại để sớm được các công ty Nhật chọn lựa. Ngay sau khi có kết quả trúng tuyển chính thức, NLĐ hãy tranh thủ đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở địa phương trước khi có chính sách mở cửa hoàn toàn và tiến hành nhập học trực tiếp tại các công ty XKLĐ. Riêng nhóm NLĐ đang có ý định tham gia chương trình đi làm việc nước ngoài hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin và các công ty uy tín để không bị các đối tượng xấu lợi dụng. Đây cũng là thời điểm nhiều quy trình phức tạp trước đây gây khó cho NLĐ đã được loại bỏ, giúp NLĐ tiết kiệm chi phí và thời gian tham gia chương trình. NLĐ cần tranh thủ tận dụng tốt những lợi thế này. Theo bà Trương Nguyễn Quế Chi, Giám đốc Công ty TNHH XKLĐ Texgamex - VN: "Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường XKLĐ quan trọng nhất của Việt Nam. Vì thế, tin tức nới lỏng chính sách nhập cảnh của chính phủ Nhật sẽ là động lực quan trọng, xóa bỏ tình trạng ảm đạm mấy tháng vừa qua. Các DN và NLĐ đều đang chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đáp ứng các quy định xuất nhập cảnh mới. Hy vọng Lãnh sự quán Nhật tại TP HCM sẽ sớm thông báo việc cấp visa và đường bay thương mại nhanh chóng hồi phục trở lại để giải quyết số lượng lớn NLĐ bị dồn ứ thời gian qua". Trong thời gian chờ đợi hướng dẫn chi tiết hơn, các DN XKLĐ nên tranh thủ thời gian để cập nhật cho NLĐ về các quy định mới của Nhật Bản, bảo đảm sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết cho việc nhập cảnh hợp pháp, an toàn, nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. 

42.818 lao động ra nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2021

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9 năm 2021 là 776 lao động, trong đó có 18 lao động nữ, đạt 22,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam trong tháng 9 gồm: Nhật Bản: 121 lao động; Đài Loan (Trung Quốc): 15 lao động nam; Hungary: 117 lao động (6 lao động nữ); Romania: 28 lao động (2 lao động nữ); Trung Quốc: 281 lao động nam; Serbia: 28 lao động nam; Hàn Quốc: 48 lao động nam; Singapore: 86 lao động nam và các thị trường khác.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động, trong đó có 14.982 lao động nữ, đạt 47,57% kế hoạch năm 2021. Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong 9 tháng đầu năm gồm: Đài Loan (Trung Quốc): 19.350 lao động (6.486 lao động nữ); Nhật Bản: 19.051 lao động (8.235 lao động nữ); Trung Quốc: 1.425 lao động; Hàn Quốc: 702 lao động; Romania: 609 lao động (81 lao động nữ); Singapore: 454 lao động nam; Hungary: 403 lao động (98 lao động nữ) và các thị trường khác.


nld.com.vn