Trước những biến động của thị trường lao động, những bất cập về cung - cầu lao động hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong năm 2023 và những năm tới, cần xây dựng khung chính sách đồng bộ, chính sách xã hội phải đầy đủ, toàn diện, thông thoáng, bao trùm. Đó là yếu tố then chốt của toàn bộ hệ thống lao động - việc làm trong thời gian tới.
Nhiều rủi ro
Khảo sát hơn 100 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tháng 2-2023 của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) cho thấy phần lớn các DN đang gặp khó khăn nhiều mặt. Về lực lượng lao động, DN sử dụng nhiều lao động đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng đáng kể.
Đây là điều bất thường so với các năm trước vì lý do không có đơn hàng dự trữ, thiếu đơn hàng, hủy đơn hàng. Hiện đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý II với mức giảm khoảng 50%-60% do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ, người dân trong nước hạn chế mua sắm.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đến các trường đại học để tuyển nhân sự
Khảo sát của HUBA cũng cho thấy những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỉ giá USD đang biến động, đơn hàng giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động. Khối ngành này có nhu cầu vay vốn với mức lãi suất phù hợp để giữ chân khách hàng, thị trường, nhất là giữ chân người lao động (NLĐ). Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, kết quả thống kê từ các đơn vị thuộc hội cho thấy có hơn 100.000 nhân viên môi giới bất động sản đã nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác.
Tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023 vừa được Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh việc bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho NLĐ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Thứ trưởng cũng nêu rõ bối cảnh khó khăn mà ngành đang đối diện như tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống. "Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức. Khi nền kinh tế đứng trước nhiều thử thách, trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức" - ông Thanh nhấn mạnh.
Kết nối cung cầu còn yếu
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, thừa nhận thị trường lao động Việt Nam dù đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Nổi bật nhất là chất lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Minh chứng là số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (năm 2022, lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,2%), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường.
Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong thị trường lao động. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Một tồn tại lớn khác mà Cục Việc làm chỉ ra là hiện tượng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nơi DN tìm người không ra, có nơi lại cắt giảm lao động. "Hiện cơ chế kết nối cung cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ, kịp thời, ít hoạt động giao dịch việc làm, tổ chức dịch vụ việc làm chưa hiệu quả" - ông Bình nhấn mạnh.
Kỳ vọng tình hình kinh tế sẽ khởi sắc trong thời gian tới, ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group, nhận định có nhiều tín hiệu kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào 2 quý cuối năm 2023. Vì thế thị trường lao động sẽ sớm có chuyển biến tích cực. Nhờ có lợi thế của các hiệp định thương mại nên các nhãn hàng đều cam kết khi thị trường phục hồi vẫn tiếp tục gia công ở Việt Nam, đây là tín hiệu tốt về cơ hội phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm 2023.
"Theo tôi, các DN tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm ổn định nhằm giữ chân NLĐ, nhất là lao động có tay nghề cao, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong thời gian tới" - ông Gaku Echizenya nói.
“Sắp tới, Cục Việc làm sẽ đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện những giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là liên thông thị trường, kết nối cung cầu lao động” - ông Vũ Trọng Bình nói.