Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động (VL-LĐ) Hàn Quốc vừa tổ chức hội thảo "Nhìn lại hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao". Hội thảo đã tổng kết và đưa ra định hướng cho giai đoạn mới trong hợp tác toàn diện về lao động giữa hai nước.
Vì người lao động
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho biết hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức khởi động từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Sau đó hai bên đã nhiều lần ký thỏa thuận hợp tác vào các năm 2004, 2009, 2013 và 2019. Nội dung bổ sung cho những lần ký mới là thiết lập quan hệ đối tác trung, dài hạn và tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Dấu mốc quan trọng trong hợp tác lao động với Hàn Quốc là năm 2003, Quốc hội Hàn Quốc phê duyệt Luật Cấp phép cho lao động nước ngoài (gọi là chương trình EPS), có hiệu lực từ ngày 1-8-2004, mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Một cột mốc quan trọng nữa trong việc tăng cường hợp tác và bảo vệ người lao động (NLĐ) của hai nước đó là việc ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiệp định này được ký vào cuối năm 2021 nhằm bảo vệ quyền lợi toàn diện cho NLĐ hai nước làm việc trên lãnh thổ của nhau trong bối cảnh số lượng NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc và NLĐ Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng tăng.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng việc đẩy mạnh và mở rộng các chương trình hợp tác góp phần nâng tầm quan hệ hai nước lên mức chiến lược toàn diện thì cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cho NLĐ Việt Nam, đặc biệt là lao động có trình độ, chuyên môn, phục vụ đầu tư nước ngoài trong đó có đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng quy mô, hình thức hợp tác lao động bao gồm các cơ chế cấp phép, lao động thời vụ, lao động kỳ nghỉ và lao động trong các lĩnh vực đặc thù. Tăng cường hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ vào việc phát triển và quản lý thông tin thị trường lao động.
Ông Kwon Gi Seob, Thứ trưởng Bộ VL-LĐ Hàn Quốc, khẳng định 30 năm qua, cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hợp tác lao động về giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới. Ngày càng có nhiều lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc và ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam.
Họ trở thành những cầu nối trong quan hệ giữa hai nước. Việc bảo đảm an toàn và quyền lợi cho NLĐ được Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm thông qua các ký kết hợp tác, các buổi làm việc trực tiếp giữa các cơ quan chuyên môn đã cho thấy mục tiêu bảo vệ NLĐ, tất cả vì NLĐ của hai nước.
Nhiều người lao động vẫn chọn Hàn Quốc là điểm đến để làm việc
Chi phí thấp, thu nhập ổn định
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Gia Liêm cho biết Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều NLĐ Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Hiện có tới 4 hình thức đưa NLĐ Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Trong đó, NLĐ đi theo chương trình EPS chiếm phần lớn. Mức thu nhập mà NLĐ đi theo chương trình EPS nhận được tại Hàn Quốc khá cao, bình quân từ 1.500 đến 2.000 USD/tháng (từ 35 đến 47 triệu đồng). Hình thức thứ hai là đưa lao động kỹ thuật (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với DN Hàn Quốc hoặc thông qua các hợp đồng cung ứng lao động ký giữa DN Việt Nam với đối tác Hàn Quốc.
Đi theo diện này, NLĐ được cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) với mức lương từ 2.000 đến 2.500 USD/tháng (từ 46 đến 58 triệu đồng). Thứ ba là NLĐ đi theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa DN Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc thấp hơn 2 hình thức trên một chút.
Hình thức thứ 4 là thí điểm đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
"Việc đa dạng các hình thức phái cử lao động sang Hàn Quốc nhằm tận dụng những ngành nghề mà phía bạn đang thiếu lao động trong khi rất phù hợp với NLĐ Việt Nam. Cách tổ chức bài bản, chặt chẽ từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến xuất cảnh cũng là cách để hạn chế tối đa lao động bỏ trốn, lấy lại hình ảnh lao động Việt trên đất Hàn. Quan trọng hơn cả là bảo đảm quyền lợi cao nhất cho NLĐ từ chi phí bỏ ra thấp nhất nhưng có mức thu nhập tốt nhất" - ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế Halim (tỉnh Quảng Bình), cho rằng trong 3 thị trường trọng điểm về xuất khẩu lao động của Việt Nam gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc thì Hàn Quốc là thị trường hấp dẫn nhất về thu nhập.
Theo ông Bình, Hàn Quốc đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế sau đại dịch nên nhu cầu về lao động là rất lớn nhưng số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc chưa nhiều như mong đợi. Nguyên nhân đến từ việc Hàn Quốc kiểm soát chặt chẽ nguồn cung lao động do số lượng lao động bỏ trốn tăng mạnh trong những năm trước. Nhưng chính vì thế mà tỉ lệ lao động bỏ trốn đã giảm hẳn, các địa phương bị tạm ngưng đưa lao động sang Hàn Quốc cũng giảm mạnh trong năm qua.
Hơn nữa, việc đưa chương trình EPS về đầu mối của Bộ LĐ-TB-XH cũng khó mà đảm trách được số lượng rất lớn nhu cầu của NLĐ có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc. "Nếu các DN đủ điều kiện được giao thực hiện chương trình EPS, tôi nghĩ số lượng lao động Việt sang Hàn sẽ tăng nhanh" - ông Bình nhận định.
Dẹp nạn bỏ trốn
Theo các chuyên gia xuất khẩu lao động, hạn chế tiến đến xóa bỏ nạn bỏ trốn sẽ giúp thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam rộng mở hơn không chỉ tại Hàn Quốc mà còn với những nước khác. Bên cạnh đó còn giúp mở ra triển vọng lớn hơn cho nhiều thế hệ lao động có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc. Từ đó giúp lao động nghèo thoát nghèo, có việc làm, có thu nhập ổn định, tạo đà vươn lên trong sự nghiệp và cuộc sống.