Ngày 29-11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết trong 10 tháng đầu năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống, việc làm, thu nhập của đa phần người lao động được đảm bảo và ngày càng được cải thiện.
Do khan hiếm đơn hàng, Công ty TNHH Tỷ Hùng cho gần 1.200 công nhân nghỉ việc từ đầu tháng 12-2022. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình quan hệ lao động trong thời gian qua chưa thực sự ổn định, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tăng trở lại ở nhiều địa phương, đặc biệt, trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều người lao động và gia đình họ.
Năm 2022 có hơn 122 ngàn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn; một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Chất lượng cuộc sống của người lao động có sự chuyển biến, nhưng những vấn đề bức xúc ở các khu công nghiệp tập trung chưa có sự thay đổi rõ nét, như: Nhà ở, nhà lưu trú, dịch vụ khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân.
Về tình hình cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động vào khoảng 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, DN dân doanh là 646 doanh nghiệp (chiếm 52,27%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 (47,73%).
Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may: 226 doanh nghiệp (18,28%); da giầy: 109 doanh nghiệp (8,82%); chế biến gỗ: 196 doanh nghiệp (15,86%); điện tử: 62 doanh nghiệp (5,02%); cơ khí: 31 doanh nghiệp (2,51%); các loại hình doanh nghiệp khác: 612 doanh nghiệp (49,51%).
Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm khoảng 472.210 lao động. Tại doanh nghiệp dân doanh có 118.889 lao động (chiếm 25,18%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 353.324 lao động (chiếm 74,82%).
Ngành nghề dệt may: 131.340 lao động (chiếm 27,81%); da giầy: 171.414 lao động (36,30%); chế biến gỗ: 63.681 lao động (13,49%); điện tử: 19.535 lao động (4,14%); cơ khí: 5.239 lao động (1,11%); các ngành nghề khác 81.000 lao động (17,15%). Trong các khu công nghiệp có 172.088 lao động (36,44%) trong tổng số lao động bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, có hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng.
Về mức độ ảnh hưởng, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết số lao động bị thôi việc, mất việc là 41.558 người ( chiếm 8,80%); bị giảm giờ làm là 430.665 người (91,20%) - bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tính tới điểm hiện nay, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110,227 tỉ đồng; có 121 doanh nghiệp nợ BHXH của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237,932 tỉ đồng.
Về nguyên nhân cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.
Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỉ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…