Bí quyết ứng tuyển trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội
Cập nhật lúc 08:07, Thứ sáu, 20/08/2021 (GMT+7)
(NLĐO) - Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người đã mất việc. Việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng khiến phương thức nộp hồ sơ trực tuyến là lựa chọn tối ưu hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều ứng viên (ƯV) than phiền rằng họ nộp đơn ứng tuyển rồi, bản thân thấy phù hợp với các yêu cầu vị trí được đưa ra mà không được gọi phỏng vấn. Vậy nguyên nhân do đâu?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng Văn phòng Adecco TP HCM, cho biết đa phần ƯV "lười" nâng cấp hồ sơ hoặc "gửi sai địa chỉ". "Có rất nhiều bạn chưa hiểu được rằng hồ sơ xin việc chính là bức thư để đưa thông điệp về kinh nghiệm cũng như khả năng của ƯV tới nhà tuyển dụng. Chẳng hạn nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn kỹ năng quản lý đội nhóm nhưng trong hồ sơ xin việc, ƯV không hề đưa ra kỹ năng quản lý đội nhóm mà chỉ nói chung chung là làm tốt trong nhóm. Trường hợp khác, công việc yêu cầu ƯV có kỹ năng kinh doanh tốt, song họ lại chỉ đề cập qua loa về việc mình đã từng làm sale tại công ty A, doanh nghiệp B mà chưa có mô tả rõ thành tích họ đạt được ở cương vị đó như thế nào. Kinh nghiệm ở đây là nên dựa vào bản mô tả công việc của nhà tuyển dụng để làm nổi bật hồ sơ xin việc của mình sao cho bám sát nhất với yêu cầu của công việc" - ông Chương nói.
Nhiều bạn trẻ tranh thủ tìm việc làm ngay trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội
Lỗi tiếp theo, theo ông Chương, có lẽ là trong hồ sơ xin việc ghi quá nhiều thông tin khiến bị loãng, thừa không cần thiết. Đặc điểm hiện nay, nhất là với các bạn trẻ có 1 - 2 năm kinh nghiệm, là ghi quá nhiều thông tin thừa nhưng không tập trung vào đầu việc chính mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là một người không có logic và sẽ không đạt được hiệu quả trong công việc. Kinh nghiệm ở đây, với mỗi vị trí, công việc ứng tuyển, hãy làm một hồ sơ xin việc riêng, tránh ghi "loãng" thông tin sẽ khiến nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn đã làm quá nhiều công việc, không có sự tập trung. Thêm nữa, khi ứng tuyển, trong e-mail, ƯV cần ghi rõ lý do mà nhà tuyển dụng nên tuyển mình. Để tạo nên sự nổi bật cũng như khẳng định sự phù hợp với công việc nhà tuyển dụng đang tuyển, ƯV nên viết ra những lý do bằng các thành tích mình đã đạt được trong quá khứ hoặc là tính cách và sự phù hợp của ƯV cho vị trí đó. Chẳng hạn như phù hợp về giao thông, về chế độ, về khả năng phát triển sự nghiệp, khả năng cống hiến...
Lý do cuối cùng có thể là hình ảnh trong hồ sơ xin việc thiếu chuyên nghiệp và thông tin sơ sài. Hình ảnh cá nhân là ấn tượng đầu tiên khi nhà tuyển dụng lọc hồ sơ. Nhiều bạn để ảnh selfie thiếu chuyên nghiệp, hay để ảnh đã chụp quá lâu, ảnh chỉnh sửa quá lố... cũng là một trong nguyên nhân bạn không được mời gọi cho vòng tiếp theo. Hơn nữa thông tin về bản thân còn quá sơ sài, thông tin về các đầu việc đã làm thì ít, dẫn tới việc nhà tuyển dụng không thể nắm bắt được năng lực của bạn.
nld.com.vn