Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng với những ưu điểm mà chính sách này mang lại thì ngày càng có nhiều người tin tưởng tham gia, lựa chọn là điểm tựa khi về già.

Nhiều hướng tiếp cận

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến đầu tháng 9-2021, toàn ngành đã phát triển được gần 15 triệu người tham gia BHXH (chiếm 29,82% lực lượng lao động) và đạt 83,89% kế hoạch. Trong đó, BHXH bắt buộc có gần 13,7 triệu người tham gia; BHXH tự nguyện có hơn 1,18 triệu người tham gia và BHYT có hơn 85 triệu người tham gia, đạt 87,33% dân số. Đáng chú ý, 16 BHXH tỉnh có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với cuối năm 2020 và 33 BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng.

Vốn là lao động tự do ở Hà Nội nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên anh Nguyễn Thanh Bình, 35 tuổi, phải "nằm nhà" nhiều tháng nay. Cách đây ít ngày, anh Bình đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức 550.000 đồng/tháng. "Tôi sửa xe máy nên chỉ nghĩ làm nghề để kiếm sống, không tìm hiểu, không quan tâm đến BHXH tự nguyện. Có lần tôi được nhân viên ở phường tư vấn nhưng do mải mê công việc nên cũng không để ý. Thời gian ở nhà giãn cách, nghĩ đến lúc về già, hằng tháng cần một khoản tiền khiến tôi mới nhớ lại có lần đã được nghe tư vấn. Tôi lên mạng tìm hiểu và quyết định tham gia BHXH tự nguyện để về già không phải dựa dẫm vào con cái..." - anh Bình bộc bạch. Anh Bình cho biết khi Hà Nội hết giãn cách, anh sẽ vận động các anh em quen biết cùng tham gia để sau này có lương hưu như công chức, viên chức.

leftcenterrightdel
 

 

Cán bộ BHXH tỉnh Lào Cai (bìa trái) vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: KHUÊ ANH

Năm 2021, BHXH TP Hà Nội được giao chỉ tiêu phát triển 85.069 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến nay, toàn thành phố đã phát triển được 53.280 người, tăng 25,33% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,92% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH TP Hà Nội và BHXH các quận, huyện đã triển khai nhiều cách làm hay. Đơn cử, tại Ba Vì, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện đã đổi mới phương thức tuyên truyền hội nghị, phương tiện truyền thông kết hợp tuyên truyền trực tiếp. Theo đó, với các đơn vị lập danh sách báo giảm lao động chấm dứt hợp đồng, sau khi chốt sổ BHXH cho người lao động, cán bộ BHXH sẽ kẹp trả cùng tờ gấp và phiếu hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện và sổ BHXH (đã chốt); đồng thời điện thoại trực tiếp cho người lao động để tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đăng ký mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Với các trường hợp không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ BHXH sẽ vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để thẻ BHYT không bị gián đoạn.

Tạo thuận lợi cho người tham gia

Theo BHXH Việt Nam, ngay từ đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã triển khai những giải pháp linh hoạt, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để người dân nhận thức rõ đây là chính sách nhân văn, ưu việt và tự nguyện tham gia.

Ngoài những nỗ lực của các cơ quan BHXH, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm "tăng tốc" phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra. Đơn cử, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ của trung ương, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 30% mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức đóng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đối tượng được hỗ trợ là người tham gia BHXH tự nguyện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1-8-2021 đến hết năm 2025. Đây được coi là chính sách quan trọng của tỉnh Bắc Ninh nhằm vận động, hỗ trợ người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thành chỉ tiêu được giao, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân.

Để thu hút nhiều đối tượng là người trẻ bị mất việc làm do dịch Covid-19 tham gia BHXH tự nguyện, BHXH TP Hà Nội đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Việc làm Hà Nội phối hợp Bưu điện Thành phố; BHXH quận, huyện, thị xã để tuyên truyền vận động người hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia BHXH tự nguyện. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Lúc này, phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1, đồng thời dự kiến các kịch bản, giải pháp để có thể sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ sau khi dịch bệnh được khống chế. Nhằm tạo điều kiện cho người tham gia trong bối cảnh dịch Covid-19, mới đây, BHXH Việt Nam đã kết hợp với một số ngân hàng để người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có thể thực hiện trực tuyến các giao dịch này một cách nhanh chóng mà không cần đến cơ quan BHXH hay các đại lý thu BHXH, BHYT. 

Hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo

Với 2 chế độ hưu trí và tử tuất của BHXH tự nguyện, người tham gia có thể bảo đảm cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc. So với chế độ BHXH bắt buộc thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ 30% đối với đối tượng là hộ nghèo, 20% đối với đối tượng là hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác.


nld.com.vn