"Bỏ phố về quê" đang là xu hướng nở rộ trong một bộ phận giới trẻ. Không phải họ "chạy trốn" khỏi thành phố ồn ào, đầy cạnh tranh khốc liệt để về quê "ở ẩn", mà họ đang về để khởi nghiệp với đất đai, tài nguyên có sẵn nhưng chưa được khai phá với một tinh thần "khởi nghiệp, làm giàu cho quê hương". Họ chính là những nhà khởi nghiệp trẻ "dám nghĩ, dám làm" và đã đưa được nhiều nông sản, sản vật, những dịch vụ và cả những công nghệ mới làm thay đổi nhiều tư duy sản xuất truyền thống, thay đổi và gia tăng nguồn thu nhập, thậm chí thay đổi cả một vùng quê.
Từ "thoả chí tang bồng"
"Miệt mài làm việc đến tối, khi nào mặt trời khuất bóng, muỗi vo ve chực đốt thì về". Đó là cách diễn tả một ngày làm việc khá hài hước của cặp vợ chồng trẻ Thành An, Mỹ Thuận (cùng 26 tuổi, Đắk Nông)
Sau nhiều suy tính, họ đã quyết định rời Sài thành náo nhiệt về miền rừng núi ở Đắk Nông để lập nghiệp, đôi trẻ này vẫn đang từng ngày vun đắp cho "miền đất hứa" của mình. Hơn 2 năm "về vườn", cặp đôi Thuận - An giờ là những nông dân chính hiệu. Không còn những bộ đồ công sở, giày cao gót hay vest lịch lãm, Thuận, An ngày ngày đi ủng, đội nón, áo phông lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
Cặp vợ chồng trẻ Thành An, Mỹ Thuận về quê Đắk Nông khởi nghiệp
Từ những cái nhìn e dè, người dân ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bắt đầu cảm thấy thân quen với đôi vợ chồng trẻ "được học hành tử tế" trở về từ phố thị này.
"Nhiều người ở đây nói không hiểu sao bọn mình học hành tử tế, lương bổng có mà vào rừng làm gì. Tụi mình không để tâm mà cứ dành thời gian tập trung làm và tận hưởng cuộc sống, thành quả sẽ thuyết phục mọi người", Thuận tâm sự.
Giờ đây, "cơ ngơi" và cũng là thành quả từ bao nhiêu khó khăn của Thuận - An là 10 héc-ta đất vườn, 2 héc-ta cà phê, 2 héc-ta mắc ca, 1.000 gốc chuối, 100 cây mít ta, ít bơ, sầu riêng và cây ăn trái. Đôi vợ chồng trẻ còn khu đất hơn 1 héc-ta trồng thảo dược, trồng rau để ăn.
Nguồn thu nhập của đôi bạn trẻ đến từ việc bán cà phê rang xay, dầu gội bồ kết tự nấu, rau củ, trái cây... Năm qua, dù dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống của cặp vợ chồng không hề bị ảnh hưởng, nhịp sống cũng chẳng thay đổi bởi cả hai chủ động làm việc tại nhà từ "tự cung, tự cấp".
...đến nâng tầm nông sản Việt
Thành lập từ tháng 4-2018, Công ty CP Nông sản Hoa Nắng được đầu tư bởi Shark Louis Nguyễn đã và đang chứng minh hướng đi đúng đắn khi cho ra thị trường những dòng sản phẩm nông sản hữu cơ cho giá trị cao. Trước lúc thành lập công ty, từ năm 2014 đến 2016, Lâm Anh Tú và Nguyễn Đặng Trường An – hai nhà đồng sáng lập thương hiệu Hoa Nắng đã cho tiến hành sản xuất chuyển đổi hữu cơ quy hoạch vùng nguyên liệu và hoàn thành quy trình sản xuất. Cuối năm 2017, công ty đã sản xuất được 150 tấn gạo hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Hiện tại trong năm 2018, Hoa Nắng ký kết được hợp đồng đầu ra cho hơn 200 tấn gạo hữu cơ và 300 tấn lúa. Hiện nay, gạo hữu cơ của Hoa Nắng đã có mặt tại 400 điểm bán, gồm 120 siêu thị cùng các sàn thương mại điện tử trong nước. Đối với các sàn quốc tế như Amazon, Walmart, Ebay, Google Shopping, Etsy, Rakuten... sản phẩm của Hoa Năng được phân phối thông qua đối tác Vietsway.
Từ phải qua: CEO Lâm Anh Tú, Nguyễn Đặng Trường An và Shark Louis Nguyễn
"Chúng tôi cam kết không sử dụng hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất bảo quản, chất tẩy trắng, thuốc chống mối mọt... từ khâu gieo trồng đến khâu đóng gói thành phẩm. Đây là cam kết mang tính chất tiên quyết nhằm tạo ra hạt gạo đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA/NOP) và Châu Âu (EU) mà chúng tôi đang thực hiện. Việc sản xuất gạo phải được thực hiện theo một quy trình kiểm soát chặt chẽ trước khi trở thành thực phẩm quan trọng cho mỗi bữa ăn của gia đình. Đó là mục tiêu phát triển bền vững của chúng tôi", CEO Hoa Nắng Lâm Anh Tú nói.
Sau thành công của gạo hữu cơ, công ty khởi nghiệp của Anh Tú và Trường An mới đây nhảy sang lĩnh vực mía đường hưu cơ. Như vậy, đường hưu cơ Hoa Nắng sẽ là một trong hai thương hiệu đường hữu cơ Việt Nam được quốc tế công nhận. Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch gạo hữu cơ, Hoa Nắng bán rơm hữu cơ cho bò của Vinamik để hãng sữa lớn nhất Việt Nam này sản xuất sữa hữu cơ. Chỉ riêng bán rơm hữu cơ cho Vinamilk đã mang về doanh thu cho Hoa Nắng thêm 1 triệu USD mỗi năm.
“Trong tương lai, Hoa Nắng sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu hữu cơ, để các sản phẩm hữu cơ tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn với giá cả cạnh tranh. Đây không chỉ là mong muốn của Hoa Nắng mà còn của hầu hết doanh nghiệp hữu cơ”, Lâm Anh Tú chia sẻ.
Câu chuyện của “Giấc mơ Sen”
Du học sang Pháp, lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành công nghệ hoá học và phát triển bền vững với nhiều cơ hội làm việc tại Pháp nhưng anh đã về Việt Nam để khởi nghiệp. Quyết định về quê khởi nghiệp của chàng trai học ở Tây về chịu rất nhiều áp lực từ người thân, bạn bè. Nhưng bằng ý chí của một người trẻ đã nhìn thấy được tìm năng của Quốc hoa sen, Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Khởi Minh Thành Công đã thành công với thương hiệu Ecolotus.
Sen là loài cây rất gần gũi với người dân Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, thậm chí loài hoa mộc mạc này còn là Quốc hoa của Việt Nam. Tuy nhiên, cây Sen vẫn chưa phát huy được hết những giá trị tiềm năng của mình để giúp cho cuộc sống của người nông dân trồng sen được tốt hơn.
"Làm sao để nâng cao giá trị của cây Sen là câu hỏi cuốn lấy tôi. Khi nhắc đến hoa anh đào thế giới sẽ nhắc đến Nhật Bản, nhắc đến hoa Tulip sẽ không quên Hà Lan… Khi nhắc đến Việt Nam, chúng ta tự hào bằng "Quốc hoa" Sen hồng thanh cao thuần khiết. Tuy nhiên, đặc tính của hoa Sen không thể bảo quản và sử dụng lâu sau khi rời khỏi thân cây. Làm sao để Sen có thể vươn ra thế giới và trở thành một lựa chọn hàng đầu khi cần quà tặng ý nghĩa, tinh tế và đậm nét văn hoá Việt?", Công suy tư.
Ngô Chí Công (thứ 4 từ trái qua) trong show diễn thời trang "Mẹ và Sen Exhibition" (Bộ sưu tập áo dài bằng lá sen thật sấy khô đầu tiên trên thế giới)
Để giải quyết những vấn đề trên, CEO Ngô Chí Công và những cộng sự của mình đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao lên cây Sen, một tài nguyên bản địa đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười để tạo ra một sản phẩm Sen sấy khô thương hiệu Ecolotus. Đây là món quà ý nghĩa mà những người con Việt đang tự hào sẽ giới thiệu ra thế giới.
Chàng trai quê Đồng Tháp này đã ứng dụng công nghệ, bổ sung những mảnh ghép vào chuỗi giá trị của cây sen. Ngoài hoa sen sấy khô, chàng trai 8X này còn phát triển hàng loạt sản phẩm từ nguyên liệu là cây sen, gồm các đồ gia dụng như khay, nia, đế lót ly…, tranh mỹ thuật, trang trí nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ…
Chúng ta hãy cùng Ngô Chí Công bắt đầu hành trình "Mang Sen hồng toà khắp năm châu"…
Giang Nam