Trong nhiều năm qua, khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được xem là thị trường trọng điểm về xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam. Thị trường này tiếp nhận khoảng 90% số lao động ra nước ngoài làm việc và giữ liên tục trong nhiều năm liền. Chẳng hạn năm 2019, năm có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất từ trước tới nay, trong tổng số 147.387 xuất cảnh có đến 141.697 lao động chọn khu vực Đông Bắc Á, chiếm 96%.

Nhiều thuận lợi

Nửa đầu năm 2022, trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người thì Nhật Bản tiếp nhận 32.053 lao động, Đài Loan là 15.633 lao động và Hàn Quốc là 1.209 lao động, chiếm gần 95%.

Lý giải về nguyên nhân thị trường Đông Bắc Á thu hút nhiều lao động Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng khoảng cách địa lý không quá xa, có nét văn hóa tương đồng là những lý do tác động đến sự lựa chọn của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, công việc mà thị trường này tuyển dụng khá phù hợp với năng lực, trình độ của lao động Việt Nam mới là nguyên nhân chính. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đang có cộng đồng người Việt khá đông cũng là nguyên do thu hút đông đảo NLĐ lựa chọn đến đây để làm việc. Theo quan sát của ông Trung, phần lớn NLĐ sang thị trường Đông Bắc Á làm việc là lao động phổ thông, làm những công việc dùng nhiều sức lực. Có nhiều công việc mà các chủ sử dụng lao động khó có thể tuyển được người địa phương nên họ phải tuyển từ bên ngoài. Vì thế, thu nhập so với trong nước là cao nhưng so với chính tại nơi NLĐ đang làm việc thì khá thấp. Thậm chí như ở Nhật Bản, thực tập sinh (TTS) chỉ được trả lương theo diện học việc chứ chưa hẳn là lao động chính thức, điều này thiệt thòi cho TTS.

leftcenterrightdel
 

Thực tập sinh của Công ty TNHH Nhật Huy Khang trước khi bay sang Nhật Bản làm việc

Theo ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc Chi nhánh PITSCO tại TP HCM, với nhiều chính sách ưu đãi như tăng lương, tăng phúc lợi của nước tiếp nhận lao động, đồng thời nhà nước tăng cường quản lý các doanh nghiệp dịch vụ phái cử lao động sẽ làm cho thị trường này ngày càng minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Hiện thị trường Đông Bắc Á đang tăng cường tuyển dụng với số lượng lớn và yêu cầu cũng bắt đầu cao hơn trước đây.

Hàn Quốc vẫn là điểm đến lý tưởng

Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc xứ sở kim chi trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp… Lao động sang Hàn Quốc làm việc đa phần đi theo chương trình EPS (visa E9). Mức thu nhập bình quân mà NLĐ nhận được khi đi theo chương trình này vào khoảng 1.500 - 2.000 USD/tháng, cao nhất trong nhóm 3 thị trường Đông Bắc Á tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.

Hình thức thứ 2 là đi lao động kỹ thuật (visa E7), làm việc trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy. Mức lương diện visa E7 khá cao, từ 2.000 - 2.500 USD/tháng. Thứ ba là NLĐ đi làm thuyền viên (visa C-3-11) trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên. Cuối cùng là hình thức đi làm việc thời vụ thu hoạch nông sản tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước với nhau.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, Hàn Quốc là điểm đến lý tưởng cho NLĐ Việt Nam bởi thu nhập và công việc phù hợp. Gần đây, để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh nhiều chính sách để thu hút NLĐ nước ngoài.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều chính sách như tăng lương, mở rộng ngành nghề và tìm cách giảm thuế, giảm chi phí cho NLĐ nước ngoài đến nước này làm việc. Với 370.000 TTS đang làm việc, Việt Nam là nước có số lượng TTS đang làm việc nhiều nhất trong số 15 quốc gia cử TTS đến Nhật Bản. Điều đó cũng cho thấy NLĐ Việt Nam đến Nhật Bản chủ yếu bằng con đường TTS kỹ năng. Ngoài chương trình TTS, NLĐ còn có thể sang Nhật Bản làm việc theo diện kỹ sư với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn rất nhiều so với diện TTS. Theo ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ Mai Linh (quận 7, TP HCM), chương trình TTS tại Nhật Bản đào tạo được một thế hệ thanh niên có tay nghề giỏi trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế tạo; có tác phong công nghiệp; có năng lực ngoại ngữ.

Được xem là thị trường "dễ tính" nhất trong 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đẩy mạnh tuyển dụng NLĐ nước ngoài với hàng hoạt ưu đãi như tăng lương, tăng phúc lợi, tăng hỗ trợ để bảo vệ NLĐ nhằm mục đích thúc đẩy NLĐ gắn bó làm việc lâu dài. Các công việc như công nhân nhà máy, hộ lý, thu hoạch nông sản, giúp việc nhà… là những công việc mà Đài Loan cần nhiều lao động đến từ Việt Nam. 

Nhiều ngành nghề mới

Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 4 đến 8-9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sắp tới hai nước sẽ mở rộng những ngành nghề, lĩnh vực mới như nhà hàng, khách sạn, du lịch, dịch vụ, lái xe công nghệ và nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ sư thực hành. Đồng thời bảo đảm mức lương, thu nhập, môi trường công tác, làm việc cho TTS và NLĐ Việt Nam tại Nhật Bản.


Nguồn: https://nld.com.vn