Ra trường được hơn 1 năm, với kinh nghiệm phỏng vấn 2 nơi làm việc, anh Trần Văn Huynh (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết điều đầu tiên nhà tuyển dụng sẽ hỏi chính là về bản thân và sự hiểu biết về công ty.

Đây là hai câu hỏi thể hiện sự tự tin của ứng viên cũng như thái độ với công việc. Theo anh Huynh, ứng viên nên nhìn trực diện vào người phỏng vấn khi trả lời, tìm hiểu trước về công ty để ghi điểm ấn tượng trong mắt người tuyển dụng.

leftcenterrightdel
 

Hai câu đầu tiên anh Huynh được hỏi khi đi phỏng vấn chính là giới thiệu về bản thân và hiểu biết về công ty ứng tuyển. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi hỏi xong, anh Huynh cho biết sẽ nhận được các câu hỏi chuyên sâu về công việc và phần này người tuyển dụng hỏi rất kỹ. Thông thường, người phỏng vấn sẽ nhìn vào các kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc để hỏi chi tiết từng điều ứng viên liệt kê hoặc dựa vào vị trí ứng tuyển để hỏi.

"Ứng tuyển ở hai công ty, tôi luôn được yêu cầu trình bày kinh nghiệm, năng lực của bản thân về vị trí mong muốn. Một số nhà tuyển dụng khắt khe hơn sẽ đưa ra các tình huống giả định và yêu cầu ứng viên tìm cách giải quyết" - anh Huynh cho biết.

Chị Bùi Thị Ngọc Ánh (26 tuổi) ngụ tại quận Hà Đông, Hà Nội cho hay - từ khi được thăng chức lên làm quản lý kinh doanh, chị đã cố gắng sàng lọc ứng viên bằng những câu hỏi sâu sắc, đúng trọng tâm. Tuy nhiên, chị Ánh thường chia ứng viên thành 2 nhóm để có những câu hỏi phù hợp.

Nhóm thứ nhất, với sinh viên mới ra trường hoặc chưa có kinh nghiệm, chị ưu tiên hỏi mục tiêu, định hướng làm việc và hiểu biết về các nền tảng mạng xã hội, công nghệ. Các câu hỏi này giúp tôi hiểu rõ thế mạnh và mong muốn của ứng viên cũng như cách tư duy của họ để quyết định có nên nhận hay không.

Nhóm thứ hai, với những người đã có kinh nghiệm, chị Ánh sẽ hỏi cụ thể về mức thu nhập mong muốn, các chế độ đãi ngộ, thăng tiến. Ngoài ra, chị cũng hỏi thêm về bài học, kinh nghiệm ứng viên rút ra sau những công việc đã làm và các mục tiêu trong công việc mới để xem xét.

leftcenterrightdel
 

Chị Ánh thường sẽ chia ứng viên thành 2 nhóm để đưa ra các câu hỏi cụ thể. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bật mí cách để ghi điểm với người phỏng vấn, chị Anh chia sẻ, ứng viên nên trả lời tập trung vào câu hỏi, không trả lời lan man. Hãy nêu ra những con số cụ thể để chứng minh năng lực làm việc, trả lời với phong thái tự tin nhưng điềm đạm, lịch sự cùng giọng nói rõ ràng.

Chị Hương Chanh (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nhân viên tuyển dụng thường ngồi cùng với quản lý khi phỏng vấn ứng viên chia sẻ: Chủ yếu, lãnh đạo công ty sẽ hỏi về công việc trước đây ứng viên đã làm, có làm thêm công việc gì hiện tại không, kinh nghiệm và kỹ năng để hoàn thành công việc ứng tuyển.

Ngoài ra, tùy từng vị trí sẽ hỏi về doanh số, kỹ năng giao tiếp như nhân viên sale. Còn đối với các công việc liên quan đến truyền thông sẽ hỏi thêm về các tài lẻ, ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm hoặc có sẵn sàng làm ngoài giờ khi có thể.

Bên cạnh đó, theo chị Chanh, nhà tuyển dụng cũng hỏi thêm về tình trạng gia đình hiện tại, chỗ ở hiện nay. Hai yếu tố này giúp nhà tuyển dụng đánh giá được sự ảnh hưởng về môi trường, cuộc sống của ứng viên đối với công việc. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng thiện cảm hơn với các ứng viên tự tin khi phỏng vấn.

Đặc biệt, khi chuẩn bị kết thúc phỏng vấn, ứng viên thường sẽ được hỏi về mức thu nhập mong muốn. Đối với vấn đề này, ứng viên phải thật khéo léo, dựa vào mức lương công ty đưa ra và khả năng của bản thân để trả lời. Nên chọn mức ở giữa công ty đưa ra để tránh hiểu lầm, dễ được nhận.

MẠNH CƯỜNG  (Báo lao động)


Nguồn: https://laodong.vn