Nhiều vấn đề về nhân lực hạ tầng giao thông được đặt ra tại lễ công bố thành lập Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả (DIC) giữa Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM và tập đoàn Đèo Cả, chiều 30/9 tại TPHCM. 

DCI được thành lập với mục tiêu thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới và bền vững trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Ông Lại Xuân Môn phát biểu tại lễ ra mắt Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả (Ảnh: Hà Ngô).

Hoạt động góp phần cung cấp nhân sự chất lượng cao về kiến thức và khả năng thực tiễn đã được đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng và giao thông vận tải.

Đồng thời, tham mưu chính sách, chiến lược phát triển công nghệ vật liệu và hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.

Ngoài ra, Viện sẽ trở thành đầu mối tổ chức hội thảo, tập hợp các vấn đề bất cập về chính sách, thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đào tạo để cùng nhà trường kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ ngành có cơ chế chính sách quan tâm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lại Xuân Môn - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - đánh giá đây là một mô hình mới, có tính sáng tạo. 

"Cách làm đổi mới sáng tạo này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác, góp phần thực hiện nghị quyết của Đảng để đến năm 2025 chúng ta trở thành nước công nghiệp. Mô hình này sẽ được chúng tôi tham khảo đưa vào văn kiện để xây dựng đề án đối với giáo dục, công nghệ", ông Lại Xuân Môn chia sẻ. 

Cần khoảng 10.000 nhân lực giao thông vận tải chất lượng cao 

Tại tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực hạ tầng giao thông" trong khuôn khổ lễ ra mắt, TS Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải - cho biết, kế hoạch đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt khoảng 5.000 km và tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000 km đường cao tốc.

leftcenterrightdel
 

Các chuyên gia trong ngành chia sẻ tại tọa đàm nguồn nhân lực hạ tầng giao thông (Ảnh: Hà Ngô).

Chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro cũng đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2035. Với kế hoạch khối lượng công việc như vậy, đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực xã hội, đặc biệt là cần nguồn nhân lực vô cùng lớn về số lượng, lẫn chất lượng cao.

Để đáp ứng cho yêu cầu này, theo TS Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới ngành giao thông vận tải cần ít nhất 10.000 nhân lực chất lượng cao. 

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả - thông tin, nhu cầu nhân lực hạ tầng giao thông hiện nay rất cao. Chỉ riêng tại tập đoàn, năm 2023, đã có kế hoạch tuyển dụng mới khoảng 2.300 nhân sự. Kế hoạch nhân sự tuyển dụng mới dự báo tăng trưởng qua các năm khoảng 20% so với năm trước.

Theo ông Hoàng, để phát triển nhân lực trong lĩnh vực này, chúng ta cần phải xác định có hai thứ không thể vay mượn là con người và văn hóa. Con người thì phải tự đào tạo, rèn luyện về mọi mặt tri thức, năng lực, kỹ năng, còn văn hóa phải dày công xây dựng. 

Ở góc độ nhà đào tạo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM - cho hay, có thể nói với nhu cầu nhân lực cao trên thị trường, nhân lực hạ tầng giao thông hiện nay ra trường không lo đầu ra. 

Ông Tuấn nhấn mạnh, việc đào tạo lĩnh vực giao thông vận tải phải bám sát với thực tiễn và nhu cầu xã hội chứ không phải dựa vào những cái gì mình có. Đi cùng đó là việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và cả đón đầu xu thế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế. 

leftcenterrightdel
 

Ngành giao thông vận tải cần ít nhất 10.000 nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới (Ảnh: N.H).

Ông Tuấn thông tin, trường sẽ nghiên cứu chương trình đào tạo hướng tới gửi sinh viên đi vào doanh nghiệp. Qua đó để sinh viên được cọ xát, được các kỹ sư chỉ bảo về chuyên môn, chuyển hóa kiến thức thành kỹ năng để chọn lọc nguồn nhân lực chất lượng cao nhất cho ngành.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) - chỉ ra thực trạng về nguồn nhân lực hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được cả về mặt số lượng và chất lượng. Điều này đòi hỏi cần có các công trình đột phá về công nghệ, khoa học tổ chức lao động, văn hóa doanh nghiệp để tạo sự thay đổi nhận thức về nghề nghiệp, đổi mới triệt để chính sách về trả công cho người lao động. 

Ngoài ra, theo ông Chủng, chúng ta cần có cách làm để khuyến khích áp dụng công nghệ đặc biệt trong kỷ nguyên số tạo năng suất lao động cao trong xây dựng kết cấu.


Nguồn: https://dantri.com.vn/