Rất ít lao động thất nghiệp chịu học nghề
Cập nhật lúc 14:33, Thứ hai, 15/03/2021 (GMT+7)
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, với hơn 230.000 người được hỗ trợ học nghề.Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng TCTN trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019. Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng TCTN cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỉ đồng (mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng). Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách BHTN còn được tư vấn, định hướng việc làm.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo thống kê, năm 2015 có hơn 24.000 người được hỗ trợ học nghề; đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN là hơn 482 tỉ đồng.
Số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng TCTN. Theo lãnh đạo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, nguyên nhân tình trạng trên là do phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính để học nghề. Mức hỗ trợ học nghề hiện nay chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện.
Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHTN, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Cục Việc làm đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng TCTN; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của NLĐ.
Nguồn: nld.com.vn