4 chế độ cho người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được quy định cụ thể trong Luật Việc làm năm 2013. Trong đó, có 4 chế độ cho người lao động và 1 chế độ cho người sử dụng lao động.
4 chế độ với người lao động hiện hành là: trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn chế độ cho người sử dụng lao động gắn với trách nhiệm của họ trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hướng tới hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi mất việc làm (trợ cấp thất nghiệp), mà còn gắn với chính sách thị trường lao động, nhất là chính sách theo hướng chủ động. Qua đó, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động (tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề) và duy trì việc làm của họ.
Chế độ trợ cấp thất nghiệp quy định điều kiện hưởng, trong đó quy định cụ thể về thời gian đối với các nhóm lao động khác nhau, đã thể hiện đầy đủ các nguyên tắc của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thể hiện rõ sự chia sẻ rủi ro cũng như xét đến các trường hợp đặc thù không bảo đảm điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cùng với đó, mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp nhìn chung hợp lý, góp phần hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp, đồng thời bảo đảm được tính công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, khắc phục được việc lợi dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Các quy định liên quan thông báo tìm kiếm việc làm, quy định về tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định với mục đích giúp người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động, không chỉ tập trung vào việc nhận trợ cấp thất nghiệp; quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần bảo đảm sự công bằng cho đối tượng tham gia.
Một nội dung đáng quan tâm là tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề. Nhìn chung, các quy định đều tạo thuận lợi cho người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, tạo thuận lợi trong việc học nghề. Quy định về điều kiện được hỗ trợ học nghề (đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên) so với quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp (đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên) tạo cơ hội cho người thất nghiệp được học nghề để nâng cao, chuyển đổi tay nghề ngay cả khi chưa nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Từ năm 2015 đến nay, số đối tượng được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không ngừng tăng qua các năm. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua.
Đặc biệt, trong thời kỳ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ cũng có Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, chính sách đã kịp thời hỗ trợ hơn 346 nghìn đơn vị với khoảng 12 triệu lao động giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền giảm đóng khoảng 9.211 tỷ đồng. Cùng với đó, hỗ trợ gần 13 triệu lao động với số tiền khoảng 31 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đó, trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.
Gỡ dần những hạn chế của bảo hiểm thất nghiệp
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một trong những điểm hạn chế của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chưa thực sự gắn với thị trường lao động. Chính sách còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.
Với quy định hiện tại, chưa xây dựng được chính sách bảo hiểm thất nghiệp thành chính sách bảo hiểm việc làm, hoặc chính sách bảo hiểm thất nghiệp với các chế độ theo hướng chính sách thị trường lao động chủ động. Cụ thể như: các chương trình bảo đảm việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng, sử dụng một số đối tượng như lao động là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người cao tuổi và các hỗ trợ đột xuất khác.
Về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nhìn chung, điều kiện để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra. Do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong tiếp cận chế độ này. Theo báo cáo của các địa phương, tính tới hết tháng 6/2021, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động. Do đó, tính đến hết tháng 6/2022, đã có 57 đơn vị được hỗ trợ gần 70 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo duy trì việc làm cho gần 12.000 người lao động. Vì vậy, cần sửa đổi Luật Việc làm theo hướng này để tăng cường hơn nữa hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó là những hạn chế về chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Luật Việc làm quy định mức hưởng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Điều này không còn phù hợp định hướng thực hiện chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hiện tại, chưa có quy định xử lý tiền trợ cấp thất nghiệp và số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nên khó khăn trong việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; cũng luân chuyển hồ sơ hưởng; xử lý số tiền hưởng sai mà không thu hồi được và trách nhiệm của các bên. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế.
Luật Việc làm quy định chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm chỉ áp dụng đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng có nhu cầu được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp hơn.
Thêm vào đó, cũng chưa có quy định về chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Từ đó, tạo nên khó khăn đối với trung tâm dịch vụ việc làm trong tổ chức thực hiện (thu thập thông tin thị trường lao động, thông tin người tìm việc - việc tìm người…).
Chế độ hỗ trợ học nghề mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (thí dụ: chi phí ăn ở, đi lại, …). Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mặt khác, chưa có quy định giao Chính phủ chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong các tình huống đột xuất. Cụ thể như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh … để kịp thời giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này như chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Vì vậy, trong định hướng xây dựng hồ sơ Luật Việc làm (sửa đổi) sắp tới, ban soạn thảo đã có những kiến nghị, đề xuất để sửa đổi các hạn chế của Luật Việc làm hiện hành.