Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu, tăng 32,3% so với năm 2019.

Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng TCTN cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỉ đồng, tương ứng với mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách BHTN còn được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp nào có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền, người lao động (NLĐ) sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…
leftcenterrightdel
 

Người lao động cần phải nâng cao trình độ về mọi mặt nếu muốn trụ lại thị trường lao động Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy nhiên, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng TCTN. Theo thống kê, năm 2015 có hơn 24.000 người được hỗ trợ học nghề thì đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ là hơn 251.000, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN là hơn 482 tỉ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng TCTN.

Theo lãnh đạo Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn NLĐ là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính, không có điều kiện học nghề. Thêm nữa, phần chính sách của BHTN chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác. Do vậy, NLĐ trang trải chi phí cuộc sống và các chi phí khác, không có đủ kinh phí tài chính nên học nghề cũng hạn chế. Đặc biệt, mức hỗ trợ học nghề hiện nay cũng chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện, NLĐ phải bỏ thêm một phần chi phí đối với một số ngành nghề nên rất khó khăn.

Bên cạnh những bất cập về chính sách hỗ trợ, các chuyên gia lao động việc làm còn cảnh báo tình trạng "ăn xổi ở thì" ở một bộ phận NLĐ. Trường hợp anh Lâm Quốc Trung, CN một công ty chuyên cung cấp thiết bị điện lạnh, vừa mất việc hồi đầu tháng 2-2021 là minh chứng. Từ lúc công ty ngừng việc, anh Trung và một nhóm bạn nhận lắp đặt, sửa chữa máy lạnh cho các hộ gia đình. Công việc hiện tại theo anh là khá ổn, chưa kể chủ động được giờ giấc làm việc.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không học thêm nghề mới để có thêm cơ hội việc làm, Trung giải thích: "Nếu chuyển đổi nghề khác thì phải mất thời gian đi học trong khi chi phí hỗ trợ học nghề quá thấp, chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Khoản hỗ trợ này chưa đủ để trả các khoản học ở trường. Khi chưa xin được việc làm mới thì cứ hưởng TCTN và chấp nhận công việc tạm thời".

Theo các chuyên gia về lao động, nguyên nhân chính dẫn tới chuyện thất nghiệp của NLĐ hiện nay là do nghề hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, để thoát cảnh thất nghiệp, NLĐ chỉ có lựa chọn duy nhất là học nghề để chuyển đổi sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu cao, hoặc nâng cao trình độ tay nghề để đáp ứng yêu cầu của các DN.

Trong bối cảnh hiện nay, NLĐ không nên quá quan tâm đến việc hưởng TCTN, bởi đây chỉ là lợi ích trước mắt. Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHTN, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Cục Việc làm đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng TCTN; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN và nguyện vọng của NLĐ.

Trực Ngôn


https://nld.com.vn/