Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, quỹ BHXH, BHTN đã phát huy vai trò, kịp thời, hiệu quả trong đảm bảo thu nhập, hỗ trợ thu nhập cho một số lượng lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm. Không chỉ được trợ cấp về mặt kinh tế, người lao động còn được học nghề và giới thiệu việc làm.

Đến đầu tháng 9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận danh sách trên 795.160 người lao động của trên 29.300 đơn vị hưởng các chính sách hỗ trợ, gồm 613.170 người tạm hoãn hợp đồng lao động, hàng trăm ngàn người phải ngừng việc, mất việc; gần 80.160 người ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Trên 45.800 lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19 được vay vốn trả lương ngừng việc; trên 35.500 lao động được đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.

Vì vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN lao đao, tỷ lệ NLĐ thất nghiệp gia tăng, thì chính sách BHTN đã trở thành "điểm tựa" giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế xã hội đất nước.

leftcenterrightdel
 

Với những diễn biến như hiện nay, tình hình dịch Covid-19 chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Vì vậy, thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản nào rất khó nhận định. Những số liệu thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động.

Vì vậy, chính sách BHXH và chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả  trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, hàng triệu lao động bị mất việc, ngừng việc, chính sách BHTN đã thực sự trở thành "chỗ dựa" cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Ngoài ra, chính sách BHTN cũng giúp người lao động có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân.

Bên cạnh đó, các quỹ BHXH còn hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động tiết giảm kinh phí do giảm mức đóng vào quỹ TNLĐ, BNN, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đề duy trì việc làm cho người lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến hết ngày 5/9, cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 471 đơn vị với 87.237 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 588,3 tỷ đồng tại 47/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời đã xác nhận danh sách cho 795.165 lao động của 29.352 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Ông Phan Văn Mến – GĐ BHXH TP.HCM cho biết, thời gian qua BHXH TP.HCM đã phối hợp với cơ quan LĐ-TB-XH  xác nhận cho 112.000 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp để được nhận hỗ trợ từ 1.800.000 đồng đến 3.710.000 đồng. Chính từ chính sách hỗ trợ nêu trên đã giúp cho doanh nghiệp và người lao động bớt phần khó khăn để vươn lên.

Chị Nguyễn Thị Thùy Anh (sinh năm 1984, công nhân may tại công ty ở quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021 công ty đóng cửa, các công nhân đều mất việc, chị đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM để  làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Với thời gian tham gia BHTN hơn 7 năm, chị sẽ được hưởng một khoản tiền cũng kha khá. "Trong giai đoạn khó khăn này, có được số tiền mỗi tháng nó rất có ý nghĩa và quan trọng, như phao cứu sinh cho cả nhà tôi vậy. Không ngờ dịch bệnh kéo dài như hiện nay, nếu không có khoản tiền trợ cấp thất nghiệp không biết cả gia đình bốn người nhà tôi phải sống sao nữa". Chị Thùy Anh tâm sự.

leftcenterrightdel
 

BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến hiện có, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia

Cũng giống như chị Thùy Anh, anh Trần Đức Thuận, sinh năm 1990 (tỉnh Hậu Giang, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh), sau 6 năm làm việc, đến tháng 3/2021, công ty cắt giảm nhân viên nên anh Thuận trở về địa phương; trong thời gian làm việc tại Công ty, anh Thuận được công ty đóng BHTN đầy đủ, nên nghỉ việc anh đã làm đơn để hưởng TCTN, với số tiền 7,3 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng là 6 tháng." Với số tiền được trợ cấp, cùng tiền tích cóp được, gia đình tôi đã vượt qua được những khó khăn do dịch Covid-19. Hết dịch, tôi xin việc để làm gần nhà cho tiện".

Như vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính sách BHXH, BHTN càng khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp, hỗ trợ người tham gia vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Để phát huy hơn nữa hiệu quả và tính ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến hiện có, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia.

Theo PHA LÊ (Báo Dân Sinh)